PVN LÀM CHỦ CÁC KỸ THUẬT PHÂN TÍCH THÍ NGHIỆM HIỆN ĐẠI NHẤT

PVN LÀM CHỦ CÁC KỸ THUẬT PHÂN TÍCH THÍ NGHIỆM HIỆN ĐẠI NHẤT

Với quan điểm “khoa học công nghệ là nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam”, trong thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã coi đây là 1 trong 3 nhóm giải pháp đột phá và tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Công trình Trung tâm Phân tích thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh mới được đưa vào sử dụng thể hiện cam kết đầu tư phát triển khoa học công nghệ như một trong ba giải pháp đột phá để đưa Tập đoàn phát triển bền vững.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam và đại diện các công ty, nhà thầu tham quan phòng thí nghiệm

Sau khi đầu tư xây dựng Tòa nhà VPI tại 167 Trung Kính, Hà Nội, với quy mô hiện đại, PVN đã chính thức đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Phân tích thí nghiệm và Văn phòng VPI tại TP Hồ Chí Minh. Với hệ thống thiết bị chuyên dụng hiện đại, công trình này sẽ nâng cao chất lượng nghiên cứu và tiềm lực khoa học công nghệ của VPI, đặc biệt trong các lĩnh vực: phân tích thí nghiệm mẫu đất, đá, chất lưu đặc biệt phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí; đánh giá, sản xuất thử nghiệm xúc tác, mô phỏng, tối ưu hóa các quá trình công nghệ; nghiên cứu sản xuất thử nghiệm hóa chất và sản phẩm dầu khí, đánh giá an toàn môi trường, giám định, kiểm định kỹ thuật; xử lý chất thải…

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng VPI được PVN giao cho VPI làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích 40.000m2 tại Lô E-2B-5 và Lô I-4B-1.2 tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, gồm các hạng mục: Tòa nhà văn phòng, Trung tâm Phân tích thí nghiệm, khu gia công mẫu, kho tàng trữ mẫu, xưởng sản xuất thử nghiệm, khu kỹ thuật phụ trợ.

Trong đó, Trung tâm Phân tích thí nghiệm được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại và phần mềm chuyên dụng sẽ giúp VPI có đầy đủ cơ sở hạ tầng để thu thập, lưu trữ, phân tích, tổng hợp kết quả phân tích các loại mẫu dầu khí để chủ động nghiên cứu, điều tra cơ bản; nâng cao chất lượng phân tích mẫu cổ sinh, địa tầng, thạch học, trầm tích, địa hóa, PVT… Đồng thời, công trình này sẽ giúp PVN/VPI làm chủ kỹ thuật phân tích tiên tiến nhất, các thiết bị thí nghiệm hiện đại nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng đổi mới và chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, gắn kết nghiên cứu – ứng dụng – đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Việc đầu tư xây dựng Trung tâm Phân tích thí nghiệm sẽ tăng tỷ lệ phân tích mẫu trong nước lên đến trên 90%, tiết kiệm chi phí gửi và phân tích mẫu ở nước ngoài, tiết kiệm thời gian cho nhà thầu, bảo mật thông tin dầu khí của quốc gia.

Viện trưởng VPI TS Nguyễn Anh Đức cho biết: Khi toàn bộ dự án được hoàn thành, VPI sẽ đưa vào sử dụng các phòng thí nghiệm mới, hiện đại hàng đầu thế giới cùng nhiều thiết bị phân tích thí nghiệm để phân tích toàn diện các loại mẫu lõi, mẫu lưu thể (dầu, khí, nước), các phân tích đặc biệt về nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR). Đồng thời, xưởng sản xuất thử sẽ là nền tảng để VPI đưa vào sản xuất và cung cấp cho thị trường, cho ngành Dầu khí các sản phẩm đã được Nhà nước công nhận là hàng Việt Nam sản xuất được và các công ty dầu khí chấp thuận sử dụng như: anode hy sinh nhôm, các loại hóa chất phục vụ khai thác, vận chuyển, chế biến dầu khí, các sản phẩm mới…

Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết, trong Chiến lược phát triển đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14-10-2015, mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển PVN là đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí, năng động, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển, lãnh đạo PVN đề nghị VPI tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cung cấp nhiều hơn nữa các giải pháp khoa học – công nghệ và quản lý hữu ích cho Tập đoàn, các công ty, nhà thầu dầu khí nhằm mục tiêu: gia tăng trữ lượng dầu khí, tối ưu hóa khai thác, nâng cao thu hồi dầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư sản xuất sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao…

Lãnh đạo PVN cam kết sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và hỗ trợ mọi mặt để VPI thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, có nhiều công trình nghiên cứu và giải pháp khoa học công nghệ thực sự tạo động lực cạnh tranh, đi sâu vào các vấn đề cốt lõi của thực tế sản xuất vì sự phát triển nhanh và bền vững của PVN.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội Dầu khí Việt Nam và đại diện các công ty, nhà thầu tham quan phòng thí nghiệm

Được biết, trong 11 tháng năm 2016, VPI đã triển khai thực hiện 307 hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ; đọc phản biện, nhận xét 18 báo cáo (RAR, ODP, FDP…); thực hiện phân tích mẫu theo hợp đồng khung; được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận 8 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích… Trong bối cảnh giá dầu thế giới suy giảm và duy trì ở mức thấp, VPI tăng cường làm việc với các đơn vị, đối tác để đề xuất triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn và các công việc phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức rà soát, cơ cấu lại giá dịch vụ, chủ động đàm phán giảm giá dịch vụ hợp lý; chủ động tiết giảm tiêu hao nhiên liệu, năng lượng sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, VPI đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước (Schlumberger, JOGMEC, PVEP, PTSC, CMP…) để thực hiện toàn bộ chuỗi dịch vụ và nâng cao chất lượng nghiên cứu ứng dụng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

.
.
.
.